(Thủy sản Việt Nam) – Trong NTTS, phòng ngừa và quản lý dịch bệnh là khâu rất quan trọng do dịch bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế. Bệnh động vật thủy sản nói chung và bệnh cá nói riêng có xảy ra hay không tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và điều kiện làm bệnh phát sinh. Nắm chắc được nguyên nhân và điều kiện phát sinh để có giải pháp phòng trị bệnh tích cực, hiệu quả cho cá nuôi.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh trên cá gồm các tác nhân sinh học như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, các yếu tố môi trường không thuận lợi cho cá như hiện tượng thiếu ôxy hòa tan, nguồn nước bị ô nhiễm, hoặc chế độ dinh dưỡng cho cá nuôi không phù hợp về chất lượng và số lượng. Nhưng không phải cứ có mặt của tác nhân gây bệnh trong môi trường ao nuôi, thậm chí trong cơ thể vật nuôi là bệnh sẽ xảy ra. Sự phát bệnh còn phụ thuộc vào một số đặc điểm của chính tác nhân gây bệnh như số lượng và độc lực của các tác nhân gây bệnh và phụ thuộc vào con đường mà tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cá.
Giải pháp phòng bệnh
Bệnh trên cá có xảy ra hay không còn phụ thuộc sức đề kháng của cá nuôi và chất lượng môi trường nước nơi nuôi cá. Vậy giải pháp để phòng trừ bệnh cá nuôi nước ngọt có hiệu quả là giải pháp đồng bộ bao gồm:
Dinh dưỡng cân đối
Nâng cao sức đề kháng cho cá nuôi thông qua việc cung cấp đủ lượng thức ăn cần tính theo trọng lượng cá, chủng loại thức ăn phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cá ở từng giai đoạn nuôi khác nhau, chất lượng thức ăn tốt không bị nấm mốc, không chứa các độc tố, thành phần dinh dưỡng phù hợp theo lứa tuổi và theo loài nuôi. Tránh cho ăn quá mức gây dư thừa thức ăn làm tăng chi phí sản xuất và dễ gây ô nhiễm môi trường. Không nên sử dụng thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn so với nhu cầu dinh dưỡng của cá, chất lượng không đảm bảo làm cá gầy yếu, giảm sức đề kháng, kéo dài thời gian nuôi và dẫn đến năng suất thấp. Thức ăn đưa vào ao nuôi cần có nguồn gốc rõ ràng, tránh và hạn chế sử dụng thức ăn tươi sống trực tiếp vì thức ăn tươi sống có thể là nguồn chứa mầm bệnh.
Mật độ nuôi phù hợp
Căn cứ vào diện tích và cỡ cá thả để tính mật độ thả phù hợp. Không nên nuôi quá thưa làm lãng phí diện tích ao, lồng nuôi. Tránh mật độ nuôi quá dầy dẫn đến cạnh tranh về dinh dưỡng, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh khi nuôi.
Quản lý tốt môi trường nuôi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, nâng cao sức đề kháng tự nhiên với các tác nhân gây bệnh cho cá. Chính các yếu tố môi trường nuôi ổn định và thích hợp làm hạn chế sự tồn tại và phát triển của mầm bệnh trong nuôi cá.
Trong nuôi cá, người dân cần chủ động các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Ảnh: CTV
Để kìm hãm sự phát triển của tác nhân gây bệnh trong hệ thống nuôi, trước mỗi vụ nuôi cần vệ sinh sạch, tát cạn, khử trùng ao nuôi sử dụng vôi bột, diệt tạp, khử trùng lưới, dụng cụ trong các dung dịch sát trùng. Bên cạnh đó, cần ngăn chặn sự xâm nhập, kìm hãm sự phát triển và lây lan của tác nhân gây bệnh vào hệ thống nuôi thông qua việc quản lý cộng đồng chung tay bảo vệ nguồn nước. Nước thải từ các ao nuôi cần được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Nước ao nuôi nhiễm bệnh cần được xử lý tránh thải trực tiếp ra kênh cấp nước chung dẫn đến lây lan dịch bệnh ra toàn vùng nuôi.
Cá giống trước khi đưa vào ao nuôi cần được kiểm tra và xác định là không nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Trong khu vực nuôi cá cần hạn chế chó, mèo và người không làm nhiệm vụ qua lại để tránh sự xâm nhập của các sinh vật mang mầm bệnh vào trong hệ thống nuôi.
Các dụng cụ sử dụng trong hệ thống nuôi cần được khử trùng thông qua giặt sạch, phơi nắng. Cần tránh dùng chung dụng cụ giữa các ô lồng, các ao nuôi có cá bệnh nếu không qua khử trùng. Đặc biệt, cần lưu ý hạn chế sự lây lan tác nhân gây bệnh thông qua người chăm sóc, hạn chế người ra vào trang trại, khách đến thăm quan nên áp dụng các biện pháp sử dụng bảo hộ lao động phù hợp và sát trùng.
Hàng ngày, thường xuyên quan sát hoạt động bơi, bắt mồi, màu sắc của cá để phát hiện sớm hiện tượng cá bị bệnh. Khi cá bị bệnh cần vớt ngay cá chết, loại cá bệnh nặng ra khỏi lồng/ao và xử lý số cá này bằng nhiệt như nấu chín làm thức ăn gia súc, tránh ném cá bệnh, cá chết ra ngoài lồng nuôi, tránh dùng cá chết bệnh cho các loài cá nuôi khác dùng tươi khi chưa xử lý nhiệt.
Trị bệnh khi cần thiết
Khi chẩn đoán xác định bệnh nhiễm khuẩn tiến hành dùng thuốc trộn thức ăn cho cá ăn, nhưng cần trộn đảo đều, thuốc cần được bổ sung tá dược bám dính vào thức ăn, hạn chế thuốc tan vào môi trường nước gây lãng phí và giảm hiệu quả. Khi điều trị cần cho cá ăn đủ liều lượng, muốn vậy cần ước tính chính xác khối lượng cá nuôi trong lồng/ao và đúng liệu trình kéo dài 5 – 7 ngày dùng thuốc. Thuốc điều trị thông qua đường tiêu hóa cần trộn thức ăn ngon, dễ tiêu, đặc biệt là thuốc phải hấp thu qua đường tiêu hóa. Một số loại kháng sinh hiện đang có tác dụng tốt trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn cho cá nuôi lồng như Florphenicol; Sulfadiazine kết hợp với Trimethoprim; Doxycycline.
Đặc biệt là đối với cá nuôi lồng khi muốn khử trùng nước nuôi là tốn và kém hiệu quả do nước thường xuyên lưu thông, nên nếu cần diệt mầm bệnh bên ngoài cơ thể cần tiến hành dùng bạt chống thấm lót đáy lồng nuôi tạo bể giả, tính toán thể tích nước trong bể mới tạo, sau tiến hành pha hóa chất khử trùng rồi tắm cho cá. Với biện pháp này thường dùng với các loại hóa chất sát trùng hoặc tắm kháng sinh cho cá. Theo dõi diễn biến khi tắm thuốc, nếu thấy cá có hiện tượng khác thường cần tháo bạt khẩn cấp mở rộng để pha loãng nước thuốc.
Có thể thấy, bệnh cá gây thiệt hại nghiêm trọng đến vụ nuôi, do đó người nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp từ khâu chọn giống tốt, chăm sóc và quản lý ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đảm ao nuôi an toàn sinh học giúp kiểm soát tốt dịch bệnh xảy ra trên đàn cá nuôi, giảm thiệt hại kinh tế, bảo đảm ATTP.
PGS-TS Kim Văn Vạn
Trưởng khoa Thủy sản, Học viện NNVN