(Thủy sản Việt Nam) – Trong khi các loại thủy sản khác rớt giá mạnh do không xuất sang Trung Quốc được bởi dịch COVID-19 thì cá trê vàng tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang giá bán vẫn ở mức cao, người nuôi có lãi.
Giá bán ổn định
Do môi trường trong sản xuất nông nghiệp ngày càng ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, chất hữu cơ, cùng với việc đánh bắt cá ngoài tự nhiên bằng xung điện cũng như bằng thuốc ngày càng nhiều nên nguồn cá trê vàng cạn kiệt theo thời gian. Theo đó, để đa dạng đối tượng thủy sản nuôi, huyện Long Mỹ đã hỗ trợ vốn, kỹ thuật và khuyến khích bà con tham gia triển khai một số mô hình nuôi cá trê vàng, bước đầu đem lại hiệu quả bền vững. Ông Hồ Hoàng Tích, Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ cho biết: “Phong trào nuôi cá trê vàng tại huyện đang phát triển rất hiệu quả, bền vững, với hàng chục hộ nuôi trên diện tích hơn 50 ha”.
Ảnh minh họa
Một trong những hộ thành công với mô hình nuôi cá trê vàng trong ao đất là gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm ở khu vực 2, phường Trà Lồng. Ông Liêm kể: “Sau khi tham quan từ các nơi, tôi thả nuôi cá trê vàng trên 3.000 m2 ao đất. Loại này rất dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp vì thức ăn cho cá không nhiều, không phải thay nước nhiều lần như các loại thủy sản khác. Sau 4 tháng nuôi, tôi thu hoạch được 20 tấn cá thành phẩm, bán với giá 40.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí còn lãi trên 400 triệu đồng, cao hơn nhiều so các loại cá khác”.
Chuẩn bị xuất bán 4 hầm cá có diện tích trên 6.000 m2 mặt nước, dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 45 tấn cá trê vàng, chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt ngụ khu vực 3, phường Thuận An, sau khi trừ hết chi phí còn lãi trên 800 triệu đồng, mức thu cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn cá trê vàng đang được thị trường ưa chuộng, vì vậy dù đang chịu ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 nhưng giá bán chỉ giảm nhẹ 2.000 – 3.000 đồng/kg nên người nuôi không bị ảnh hưởng nhiều. Dự kiến, nhiều hộ nuôi sẽ mở rộng thêm diện tích trong thời gian tới.
Phù hợp nhiều môi trường
Kinh nghiệm thực tế của ông Trần Văn Lô, người đang rất thành công từ mô hình nuôi cá trê vàng tại xã Long Phú, thị xã Long Mỹ chia sẻ, diện tích ao nuôi cá trê vàng thích hợp từ 500 – 1.000 m2; mực nước dao động từ 1,2 – 1,8 m; ao nuôi phải chủ động được khâu cấp, thoát nước; đáy ao ít bùn, bờ ao vững chắc; cải tạo ao nuôi bằng cách tát cạn ao, diệt hết cá tạp, bón vôi 10 kg/100 m2; phơi đáy ao từ 3 – 4 ngày, sau đó cấp nước vào qua lưới lọc…; mỗi ngày cho cá ăn 2 lần (sáng và chiều), khi cho ăn cần phải rải đều giữa ao…
Điều đáng nói, cá trê vàng không chỉ được nuôi tại các ao đất do người nuôi tự đào mà loại thủy sản này còn có mặt ngày càng nhiều trong ruộng canh tác lúa của nông dân Hậu Giang, nhiều nhất là huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy đã và mang lại kết quả rất khả quan.
Khắc phục khó khăn
Mặc dù đem lại hiệu quả cao, song theo nhiều người nuôi, mô hình này cũng còn có những khó khăn như: Nếu không nắm vững kỹ thuật, đặc tính của cá trê vàng thì sau thời gian nuôi đến lúc thu hoạch, cá không có màu vàng đặc trưng, mà chỉ có màu ngà của cá trê lai thì giá bán sẽ thấp. Ngoài ra, đầu ra của cá trê vàng còn nhiều bấp bênh do chủ yếu bán cho thương lái tại các chợ để tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, khi nuôi loại thủy sản này cần chú ý phòng chống các loại bệnh thường gặp như: sán lá, nhầy da, trắng da khoang thân, bệnh trùng quả dưa…
Theo đó, Trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ khuyến cáo, người nuôi nên chọn những con cá khỏe mạnh để thả trên đất lúa; chú ý nguồn nước phải sạch, thông thoáng; cho ăn dặm thêm nhiều loại cá tạp để cá trê màu vàng đẹp, bắt mắt. Riêng những vùng nuôi trũng thấp và bị nhiễm phèn nặng thì bà con nên xử lý vôi bột trước khi thả, nhằm hạn chế tình trạng bệnh lý xảy ra, đảm bảo sản lượng tốt nhất sau khi thu hoạch.
Mô hình nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao; giúp người dân có nguồn thu nhập và đảm bảo cho môi trường. Hiện trên địa bàn huyện Long Mỹ có hơn 20 hộ nuôi theo hình thức này; tới đây, địa phương tiếp tục hỗ trợ vốn, kỹ thuật và khuyến khích bà con tham gia để nhân rộng và phát triển mô hình.
Ngọc Diệp
nguồn tạp chí thủy sản việt nam.