Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.
(TSVN) – Nhiệt độ môi trường nước ao thay đổi theo khí hậu mỗi mùa và tùy từng vùng lãnh thổ. Vì vậy, cần quản lý tốt nhiệt độ để tôm sinh trưởng và phát triển tốt, giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Tác động
Hiệu quả sử dụng thức ăn: Tôm, cá là động vật biến nhiệt, thân nhiệt thay đổi theo môi trường sống, vì vậy trong quá trình sinh trưởng và phát triển, khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi (đặc biệt là nhiệt độ tăng lên) sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể tôm tăng cao. Theo đó, tôm phải tăng cường hô hấp để cung cấp ôxy, chúng sử dụng thức ăn nhiều hơn, quá trình tiêu hóa cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, sự tiêu hóa thức ăn nhiều như vậy trong khi lượng men tiêu hóa trong cơ thể tôm lại có hạn nên sẽ khó có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng trong thức ăn như ở nhiệt độ bình thường; đồng nghĩa là sẽ tiêu tốn nhiều thức ăn mà hiệu quả không cao.
Tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống: Theo Chalor Limsuwan và cộng sự (2012), khi tiến hành thí nghiệm ở Đại Học Kasetsart, Thái Lan để đánh giá ảnh hưởng nhiệt độ đến TTCT với kích cỡ con trung bình 12 g được nuôi với độ mặn 25 ppt và mật độ 10 con/bể, thức ăn được cho ở mức 3% trọng lượng con, chia thành 3 lần/ngày, mỗi lần 1%, ở nhiệt độ 29oC. Trong khi đó ở nhiệt độ 33oC thì thức ăn được cho tự do trong hai tiếng đồng hồ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng tiêu thụ thức ăn trung bình ở nhiệt độ 33oC cao hơn 36,5% so với ở nhiệt độ 29oC. Tốc độ tăng trưởng tương tự nhau ở cả hai mức nhiệt độ (29 và 33oC). Tuy nhiên, ở nhiệt độ 33oC, tỷ lệ sống của tôm thấp hơn do suy giảm chất lượng nước. Hàm lượng nitơ-ammoniac và nitrit-nitơ cao hơn, do đó làm cho nhóm này có hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) cao nhất do tỷ lệ sống thấp.
Nhiệt độ làm tôm bị đục cơ: Hiện tượng này xảy ra khi nhấc sàng ăn lên khỏi mặt nước để kiểm tra sức ăn của tôm (vào ban ngày). Tôm trong sàng sẽ nhảy lên búng mạnh, gặp nhiệt độ cao, một số con bị cong thân. Đuôi uốn cong chạm đến phần giáp ngực, phần cơ chạy dọc cơ thể sẽ trở nên trắng đục. Khi thả trở lại ao, số lượng tôm cong thân sẽ chết vì không tự duỗi thẳng lại được. Tương tự, khi sử dụng chài tôm kiểm tra lúc nắng nóng, lượng tôm đục cơ và cong thân cũng xảy ra nhiều. Hiện tượng tôm cong thân cũng thường xảy ra khi người nuôi tắt tất cả quạt khí rồi sau đó bật quạt chạy trở lại làm tôm bị “giật mình”, nhiều con sẽ nhảy lên mặt nước tạo thành “làn sóng” chạy dọc theo ao. Một số tôm khi nhảy lên mặt nước sẽ bị cong thân khi tiếp xúc không khí và chuyển sang trắng cơ. Tình trạng này thường xảy ra vào nửa đêm khi tôm đạt kích cỡ 10 g/con trở lên, vì vậy, người nuôi sẽ không chú ý đến và ngày hôm sau mới phát hiện có tôm chết trong ao. Nguyên nhân khiến hiện tượng này xảy ra nhiều hơn là do thời tiết có nhiệt độ cao và trong ao có tảo giáp phát triển. Mật độ tảo giáp cao làm nước có màu nâu đỏ và tôm yếu đi.
Quản lý
Mùa hè: Là thời điểm nhiệt độ ở mức cao nhất trong năm, để hạn chế nhiệt độ trong ao quá cao, cần phải giữ mực nước thích hợp trong ao nuôi từ 1,5 m trở lên. Gây màu nước ở dạng màu vàng nâu (màu trà) giữ độ trong không quá 35 cm. Chạy quạt và ôxy đáy để hạn chế sự phân tầng nhiệt độ, có thể sử dụng hệ thống lưới che để hạn chế ánh nắng mặt trời. Khi nhiệt độ nước ao cao trên 30oC (thường vào buổi trưa) tôm sẽ ăn rất mạnh và đi phân nhanh nên không thể hấp thu hết dinh dưỡng. Do đó, cần hạn chế tăng nhanh lượng thức ăn vào lúc này do tôm ăn nhiều nhưng hấp thu ít, gây ô nhiễm nước. Tăng cường xiphong sau khi cho ăn khoảng 15 – 20 phút ở các lần cho ăn.
Ngoài ra, vào mùa này thường xuất hiện nhiều cơn mưa dông đột ngột, nước mưa sẽ làm giảm nhiệt độ nước, giảm ôxy, gây biến động pH, kiềm ở tầng mặt, do đó cần chạy quạt liên tục để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, ôxy… Có thể lắp hệ thống ống rút nước tầng mặt khi mưa lớn để giảm hiện tượng phân tầng và biến động các yếu tố môi trường do nước mưa. Ngoài ra, cần ngừng cho ăn khi mưa lớn vì tôm ăn ít hoặc không ăn vào lúc này, nếu cho ăn sẽ làm dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm nước. Bón vôi xung quanh bờ đối với ao đất và bón vôi xuống ao đối với ao bạt để hạn chế sự biến động của pH ao nuôi.
Mùa lạnh: Nhiệt độ nước ao thường ở mức thấp, tôm nuôi thời điểm này thường ăn ít, chậm lớn. Đặc biệt là khi có mưa, cần kiểm soát chặt chẽ thức ăn do tôm ăn ít hoặc bỏ ăn để tránh ô nhiễm môi trường. Có thể bổ sung vôi nóng để tăng nhiệt độ nước, chú ý đến pH và độ kiềm khi bổ sung.
Đối với ao nuôi tôm ở khu vực đón gió mùa Đông Bắc liên tục, người nuôi có thể xây dựng phần đáy ao phía Đông Bắc sâu hơn và cần che bạt tránh gió trên bờ ao. Trên mặt nước có thể thả một ít bèo dâu để làm giảm mặt tiếp xúc với không khí, từ đó hạn chế được sự chênh lệch nhiệt độ.
Người nuôi nên tạo nơi trú ẩn cho tôm trong những ngày lạnh bằng cách dùng chà cây ở một vùng nhỏ nào đó trong ao. Tuy nhiên phải đảm bảo rằng cây, chà làm nhà cho tôm phải được sát trùng và phơi thật kỹ.
Mùa lạnh tôm sẽ di chuyển xuống đáy ao nên tăng cường sục khí để cung cấp đầy đủ ôxy cho các tầng nước, hạn chế tình trạng stress cho tôm. Định kỳ dùng vôi bột hay thuốc sát trùng như đồng sulfat; thuốc tím, muối, BKC… để ngăn chặn sự xâm nhập của các mầm bệnh.
>> Trong quá trình nuôi cần phải thường xuyên theo dõi, sử dụng thiết bị đo nhiệt độ hàng ngày để cho tôm ăn với lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa. Khi nhiệt độ xuống thấp, tùy vào khả năng bắt mồi mà điều chỉnh thức ăn cho hợp lý.
Diệu Châu
nguồn Tạp chí thủy sản Việt Nam
Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.