Một số bệnh thường gặp trên cá trắm cỏ và biện pháp phòng trị - SINH HỌC VIỆT PHÁP

Một số bệnh thường gặp trên cá trắm cỏ và biện pháp phòng trị

Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.

Cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella) là một loài cá thuộc họ cá Chép (Cyprinidae), loài duy nhất của chi Ctenopharyngodon. Cá lớn có thể dài tới 1,5 mét, nặng 45 kg và sống tới 21 năm. Cá trắm cỏ là một  trong đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc nuôi cá trắm cỏ thành công thì công tác quản lý dịch bệnh trên cá trắm cỏ và biện pháp phòng trị bệnh đóng vai trò quan trọng, đem lại thắng lợi cho người nuôi.

Vậy để hạn chế những thiệt hại do dịch bệnh gây ra ở cá trắm cỏ, người nuôi cần nắm bắt được các dấu hiệu sau và cách phòng trị để giảm thiểu thiệt hại trong quá trình nuôi.

Những dấu hiệu chung để nhận biết khi cá mắc bệnh:

Khi cá mắc bệnh thường có những dấu hiệu bệnh lý như:

– Cá tách đàn, hoạt động yếu, bơi lờ đờ trên tầng mặt và sát bờ ao.

– Màu sắc của cá thay đổi sang màu tối, da cá thường mất nhớt, khô rát. Trên thân, các gốc vây và xung quanh miệng của cá xuất huyết hoặc có màu trắng bạc. Xuất hiện các vết loét ăn sâu vào phần cơ, trên các vết loét thường có nấm và ký sinh trùng ký sinh.

– Bụng cá chướng to, hậu môn xuất huyết, các vây có hiện tượng rách và cụt dần.

Những bệnh thường gặp trên cá trắm cỏ:

* Bệnh trùng bánh xe:

– Dấu hiệu bệnh lý: Trên thân cá có nhiều nhớt màu trắng đục, da cá chuyển sang màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy. Trùng bánh xe thường bám ở các tơ mang làm phá hủy các tơ mang làm cho cá không hô hấp được và chết

– Mùa xuất hiện bệnh: Bệnh này xuất hiện quanh năm nhưng phát triển mạnh vào mùa xuân, mùa thu và đầu mùa hạ.

* Bệnh trùng quả dưa:

– Dâu hiệu bệnh lý: Trên thân cá có nhiều đốm lấm tấm màu trắng. Da cá chuyển sang màu đen sậm, trùng thường bám ở mang, phá hủy mang làm giảm chức năng hô hấp của cá.

– Mùa xuất hiện bệnh: Bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa.

* Bệnh trùng mỏ neo:

– Dấu hiệu bệnh lý : Trùng mỏ neo thường ký sinh trên toàn bộ cơ thể của cá, bệnh này mắt thường dễ nhận thấy, khi trùng bám chặt vào cơ thể cá hút chất dinh dưỡng và gây nên những vết thương chảy máu làm cho cá gầy yếu và làm cơ hội cho các ký sinh trùng khác bám vào.

– Mùa xuất hiện bệnh: Bệnh này xuất hiện quanh năm.

* Bệnh trùng loa kèn:

– Dấu hiệu bệnh lý: Trùng loa kèn thường bám thành búi trắng dễ nhầm với nấm thủy mi, chúng bám trên da, vây và mang cá làm ảnh hưởng đến sự hô hấp và phát triển của cá.

– Mùa xuất hiện bệnh: Bệnh này xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa xuân và mùa thu.

* Bệnh đốm đỏ ở cá trắm cỏ (do vi khuẩn gây bệnh):

– Dấu hiệu bệnh lý: Bệnh này làm cho vẩy cá bong ra, da cá có màu tối xẫm, da mất nhớt, hậu môn viêm đỏ và lồi ra. Trên thân xuất huyết, quanh miệng và các gốc vây có các điểm đỏ ăn sâu vào cơ. Bụng đầy hơi, thành ruột xuất huyết nhiều chổ bị hoại tử, xoang ruột chứa nhiều chất nhầy và hôi thối.

– Mùa xuất hiện bệnh: Bệnh này xuất hiện quanh năm nhưng thường gặp nhất là vào mùa thu  và mùa xuân.

Hình 1: Bệnh xuất huyết do vi khuẩn;

cá trắm cỏ, nuôi cá trắm cỏ, kỹ thuật nuôi cá, nuôi cá trắm, nuôi cá

Hình 2: Bệnh xuất huyết do virus

 * Bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ:

Bệnh này do tác nhân gây bệnh là virus Mầm bệnh chủ yếu từ cá bệnh và cá mang virus. Cá sau khi chết, virus phát tán tồn tại ở trong nước, hoặc từ động vật thủy sinh khác nhiễm virus như: Ốc, ếch và động vật phù du…  đều có thể truyền virus qua dòng nước.

Hiện nay, nguyên nhân dịch bệnh lan rộng là do nguồn nước nhiễm bệnh virus không được tiêu độc đã truyền từ thủy vực này sang thủy vực khác. Các thủy thực vật ở trong ao mang virus như: bèo tấm, cỏ nước. rong…cho cá khỏe mạnh ăn cũng có thể bị nhiễm bệnh.

– Dấu hiệu bệnh lý: Da cá có màu tối xẫm, trên cơ lưng có hai giải sọc màu trắng, mắt cá lồi và xuất huyết, mang nhợt nhạt, nắp mang, các gốc vây và phần bụng đều xuất huyết. Bệnh này thường kết hợp với bệnh viêm ruột do vi khuẩn làm ruột bị hoại tử, sình hơi và làm hậu môn viêm đỏ.

– Mùa xuất hiện bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào cuối xuân,  đầu hè và mùa thu, nhiệt độ thích hợp cho bệnh phát triển từ 25oC -32oC. Trong điều kiện này, bệnh xuất hiện nhiều và gây chết cá hàng loạt.

* Bệnh nấm thủy mi:

– Dấu hiệu bệnh lý:  Trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày hình thành các sợi nấm mảnh và phát triển thành búi trắng như bông. Một đầu sợi nấm bám vào da cá, đầu kia bơi tự do ngoài môi trường nước.Cá ngứa ngáy, bơi lội hỗn loạn, mất phương hướng.

– Mùa xuất hiện bệnh: Mùa thu, mùa xuân và mùa đông.

Một số biện pháp phòng và trị bệnh cho cá nuôi:

Cá sống dưới nước nên các hoạt động của nó chúng ta không thấy được rỏ ràng. Khi phát hiện được bệnh, việc áp dụng các biện pháp trị bệnh cũng không đơn giản và dễ dàng gì. Cho nên việc phòng bệnh cho cá là chủ yếu, nó có ý nghĩa rất quan trọng và là yếu tố quyết định thành công trong một vụ nuôi.

* Một số biện pháp phòng bệnh cho cá nước ngọt:

– Tẩy dọ ao hồ: Sau một vụ nuôi cần phải bón vôi diệt tạp diệt khuẩn, lượng vôi 10 – 15kg/100m2 ao. Phơi đáy ao 5 – 7 ngày.

– Mật độ thả và tỷ lệ ghép cho phù hợp.

– Tăng cường khâu chăm sóc và quản lý.

– Cho cá ăn thức ăn có đủ chất và đủ số lượng theo từng giai đoạn phát triển của cá.

– Định kỳ thay nước cho ao nuôi.

– Dùng vôi hòa vào nước và té đều xuống ao: CaO3  2 – 3 kg/ 100m3 nước, 2 lần/ tháng.

– Áp dụng phương pháp  phòng bệnh tổng hợp, quản lý tốt nguồn nước định kỳ sát khuẩn bằng IODINE 01 lít /8000- 10.000m3 nước, FBK 01 lít/ 3.000m3, CLORINE 15-20 ppm. Định kỳ trộn Vitamin C, chất điện giải và men tiêu hóa cho cá ăn để nâng cao sức đề kháng cho cá .

 * Một số biện pháp trị bệnh:

– Biện pháp tắm cho cá:

+  Dùng thuốc tím KMnO nồng độ 10 -12 ppm, tắm 15 – 30 phút.

+  Dùng muối ăn (NaCl) 2 – 4 %,  tắm 5 -10 phút.

+  Dùng CuSO4  nồng độ 3 – 5 ppm (2 – 5g/m3), tắm 5 – 15 phút.

+  Methylen nồng độ 2 – 3 ppm, tắm 5 – 15 phút.

– Đối với bệnh đốm đỏ và bệnh xuất huyết ở cá trắm cỏ, ngoài biện pháp phòng và tắm cho cá nên dùng kháng sinh trộn vào thức ăn cho cá ăn để điều trị, Liều lượng và kháng sinh thường dùng là: Rifato, norlox-40, amcocip, dofi,  oxytera 3g + VitaminC/ kg thức ăn, KN-O4 – 12 liều dùng 4g/kg cá/ngày; cho cá ăn liên tục từ 05 – 10 ngày. Ngoài ra, dùng rau sam rửa sạch bằng nước muối 3% cho cá ăn liên tục trong vòng một tuần. Sau đó trộn men tiêu hóa cho ăn 7-10 ngày nhằm ổn định lại đường ruột,  tiếp tục cho ăn Vitamim C trong vòng một tháng.

– Xử lý, diệt khuẩn ao nuôi: Dùng một trong các loại thuốc sát trùng, khử khuẩn như: FBK 1lit/1.500 m3, IODINE 01 lít /6.000m3 nước, CLORINE 20-30 ppm, TCCA… hòa  nước tạt đều khắp ao tiêu diệt các vi khuẩn trong ao nuôi.

– Đối với trùng mỏ neo: Ngoài 2 biện pháp tắm và phòng trên dùng lá xoan 0,4 – 0,5 kg /m3 nước bón vào ao.

– Đối với bệnh trùng bánh xe: Nếu có điều kiện  thay nước nên thay toàn bộ nước trong ao, sau đó khử  trùng nguồn nước trong ao. Tắm cho cá CuSO4, tắm Tolamin hoặc Formalin 200-300ml/ m3 trong vòng 30-60 phút

– Đối với bệnh nấm thủy mi: Trị bệnh dùng thuốc diệt nấm cho cá: Dùng Methylen 2-3g/m3, KMnO4 1-2g/m3 Xử lý tuần 2 lần. bổ sung vitamin C cho cá ăn hàng ngày tăng sức đề kháng cho cá.

Ngoài biện pháp phòng và trị bệnh cho cá trong quá trình nuôi nên bổ sung Dopa fish, vitamin C 2g/kg thức ăn nhằm tăng sức đề kháng để phòng bệnh cho cá.

Trên đây là một số kinh nghiệm trong công tác phòng và trị bệnh cho cá trắm cỏ, Trung tâm Giống thủy sản muốn chia sẽ để bà con có tham gia nuôi cá tham khảo. Kính chúc bà con có một vụ nuôi cá thành công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

http://khuyennongkhuyenngu.org.vn/news.aspx?id=1644

Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.

Để lại bình luận

Scroll
0981059666
Power by

Download Free AZ | Free Wordpress Themes