(Thủy sản Việt Nam) – Để đảm bảo tỷ lệ sống của cá bột thành cá hương, cá giống cao nhất, ngoài chế độ chăm sóc tốt về dinh dưỡng thì việc quản lý các loài địch hại là điều rất quan trọng.
Bọ gạo phân bố rộng rãi trong các vùng nước nhất là ao hồ nuôi cá
Đặc điểm
Bọ gạo thuộc lớp côn trùng (Insecta), chúng có kích thước nhỏ và hình dạng hơi giống như “hạt gạo” nên gọi là “bọ gạo”. Bọ gạo có cơ thể hình bầu dục, ngắn, chiều dài khoảng 7 – 13 mm. Cơ thể có màu xám đen, các vân màu đen. Đầu dính liền cơ thể bằng 1 đai, có hai mắt đen lớn.
Cuối lưng có mai, trên có 2 gai là cơ quan thở. Bọ gạo có cánh mỏng, có màng, lưng màu trắng, bụng có màu nâu đen, có 3 đôi chân, 2 đôi chân trước ngắn hơn dùng để bấu giữ, đôi sau dài hơn, hình dạng như mái chèo để bơi.
Bọ gạo thường bơi ngửa và hô hấp bằng khí trời, cơ quan thở ở phía sau, có cửa tự do đóng mở. Khi hô hấp, bọ gạo bơi nhanh lên mặt nước, phần sau tiếp xúc với không khí, cửa của cơ quan thở mở ra lấy khí trời sau đó ngụp xuống bơi lội trong nước, khí thải ra cửa ở 2 bên đầu ngực.
Chu kỳ phát triển
Trứng bọ gạo hình bầu dục, màu trắng hơi vàng, kích thước 1,5×0,5 mm, trứng thường nằm sâu trong phiến lá, bẹ lá hoặc thân các loại cỏ mềm. Mỗi con bọ gạo đẻ khoảng 9 – 12 trứng. Trứng sau khi phát triển phân cắt nở ra con bọ gạo con, không qua giai đoạn ấu trùng. Ở điều kiện nhiệt độ 21 – 300C, thời gian nở 6 – 9 ngày, khoảng 30 – 35 ngày bọ gạo sẽ hoàn tất chu trình phát triển từ trứng đến giai đoạn ấu trùng trưởng thành tham gia đẻ trứng. Một con bọ gạo trong 4 tháng có thể sinh được 40.000 con.
Tác hại
Bọ gạo phân bố rộng rãi trong các vùng nước nhất là ao hồ nuôi cá nhiều mùn bã hữu cơ, ao ương cá hương, cá giống không được tẩy dọn kỹ và bón phân hữu cơ chưa xử lý.
Bọ gạo thuộc loại côn trùng “dữ” ở nước, chúng đuổi bắt mồi rất mạnh, nhất là cá bột giai đoạn mới nở đến 10 ngày tuổi. Khi bắt được cá con, chúng ôm chặt con mồi và dùng vòi hút máu cho đến khi cá chết. Điều đáng chú ý là khi cơ thể có kích thước dưới 0,45 cm, bọ gạo chưa thể bắt cá con, lúc này mồi ăn của chúng thường là ấu trùng, muỗi lắc. Trung bình một con bọ gạo trong 24 giờ có thể làm 4 – 10 con cá bột chết. Ban đêm bọ gạo có thể bay từ thủy vực này sang thủy vực khác.
Trên thực tế đã có nhiều trường hợp các cơ sở ương cá chép, cá mè, trắm do không chú ý đúng mức phòng, trị bọ gạo nên trong 10 – 13 ngày đầu tỷ lệ sống của cá ương rất thấp, thậm chí có cơ sở mất trắng.
Biện pháp kiểm soát
Để đề phòng bọ gạo, các ao ương cá bột lên cá hương cần được tẩy dọn bằng vôi, phơi đáy ao kỹ để diệt trứng và ấu trùng bọ gạo.
Vệ sinh, cắt dọn sạch cỏ rác trong ao và quanh bờ để phá hủy nơi đẻ trứng của bọ gạo. Những ngày đầu mới thả cá bột nên dùng phân vô cơ, bớt lượng phân hữu cơ.
Trước khi thả cá, cần dùng dầu hỏa vẩy khắp ao, tạo thành một lớp ngăn cách giữa nước và không khí. Theo tập tính, khi hô hấp bọ gạo sẽ ngoi nhiên, tuy nhiên do có lớp dầu hỏa nên chúng sẽ không lấy được khí trời dẫn đến bị chết ngạt; mặt khác, khi ngoi lên lấy khí trời tiếp xúc với dầu hỏa, bọ gạo sẽ bị ngộ độc.
Sau 2 ngày thả cá xuống ương, nếu phát hiện thấy bọ gạo, nên làm khung hình chữ nhật nổi trên mặt nước (làm bằng ống nước, bằng tre), đổ dầu hỏa vào rồi kéo di chuyển chậm chạm khắp mặt ao. Làm như vậy, bọ gạo sẽ khỏi trốn thoát. Lưu ý, nên chọn những ngày có ít nắng và gió nhẹ để dùng dầu hỏa.
Bọ gạo không tiêu diệt được những cá cỡ lớn hơn 1,2 – 1,5 cm. Vì vậy, trong quá trình ương cá hương, những ngày đầu cần chú ý bổ sung thêm thức ăn tinh đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để cá phát triển nhanh, vượt qua kích cỡ mà bọ gạo có thể ăn được. Tỷ lệ chết sẽ giảm đi đáng kể.