PHÒNG, TRỊ MỘT SỐ BỆNH TRÊN CÁ TRẮM CỎ - SINH HỌC VIỆT PHÁP

PHÒNG, TRỊ MỘT SỐ BỆNH TRÊN CÁ TRẮM CỎ

Want create site? Find Free WordPress Themes and plugins.
(TSVN) – Cá trắm cỏ là một trong những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, để vụ nuôi thành công thì việc nắm vững các biện pháp phòng, trị bệnh đóng vai trò quan trọng, giúp giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi.
1 BỆNH NẤM THỦY MI
Tác nhân gây bệnh
Một số loài nấm thuộc các giống Achlya, Saprolegnia, Leptolegnia…
Dấu hiệu bệnh lý
Khi mắc bệnh, trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày hình thành các sợi nấm mảnh và phát triển thành búi trắng như bông. Một đầu sợi nấm bám vào da cá, đầu kia bơi tự do ngoài môi trường nước. Cá ngứa ngáy, bơi lội hỗn loạn, mất phương hướng.
Phòng, trị bệnh
Khi bệnh xảy ra cần tắm cho cá bằng hóa chất diệt nấm như dung dịch muối ăn, thuốc tím (KMnO4), Formaline… Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Khử trùng nguồn nước bằng Iodine với liều lượng 1 lít/5.000 m3.
Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt các biện pháp như: Cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi. Tạo điều kiện sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh. Cho ăn đảm bảo nguyên tắc 4 định: định lượng, định chất, định thời gian, định địa điểm. Không nuôi mật độ quá cao. Cá giống trước khi thả cần được tắm qua nước muối với liều lượng 2 – 4 g/l nước. Tăng cường cho cá ăn Vitamin C liều lượng 200 – 300 g/100 kg thức ăn. Nên treo túi vôi 2 – 4 kg/túi quanh chỗ cho cá ăn 1 tuần/lần ở cá nuôi lồng và xử lý vôi nguồn nước ở cá nuôi ao vào mùa mưa.
Việc kiểm soát và phòng trừ bệnh kịp thời, giúp người nuôi cá hạn chế rủi ro Ảnh: ST
2 BỆNH XUẤT HUYẾT DO VIRUS
Tác nhân gây bệnh
Virus thuộc giống Aquareovirus, họ Reoviridae.
Dấu hiệu bệnh lý
Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, da nổi màu sẫm hoặc khô ráp, xoang miệng xuất huyết, mắt lồi xuất huyết, cơ dưới da xuất huyết cục bộ hoặc xuất huyết toàn phần, cơ quan nội tạng xuất huyết, ruột xuất huyết nhưng không hoại tử.
Phòng, trị bệnh
Hiện nay chưa có phương pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch bệnh do virus gây ra. Vì vậy, để kiểm soát bệnh thực hiện triệt để công tác an toàn sinh học (kiểm tra mầm bệnh PCR trước khi thả giống); tăng cường sức đề kháng cho cá bằng vitamin và các hoạt chất tăng cường hệ miễn dịch của cá; giảm thiểu tối đa các hiện tượng sốc do môi trường, do đánh bắt và vận chuyển cá… hoặc sốc do mật độ nuôi cao.
Khi cá nuôi bị bệnh, cần loại bỏ ngay những con chết và yếu (thiêu hủy/chôn hủy), không vứt bỏ cá bệnh ra ngoài môi trường; xử lý môi trường nước bằng phương pháp phun hóa chất xuống ao nuôi hoặc treo túi hóa chất đối với khu lồng, bè; bổ sung Vitamin C, chất tăng cường hệ miễn dịch (Beta-glucan) cho ăn liên tục 7 – 10 ngày; sử dụng sản phẩm thảo dược (các sản phẩm có thành phần chiết xuất từ tỏi, nghệ…) để cho cá ăn theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
3 BỆNH VIÊM RUỘT ( ĐỐM ĐỎ )
Tác nhân gây bệnh
Là loại bệnh truyền nhiễm do các loài vi khuẩn Aeromonas di động, bao gồm: A.hydrophyla, A.caviae, A.sorbriado gây ra.
Dấu hiệu bệnh lý
Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước. Da có đổi màu tối không có ánh bạc, cá mất nhớt, khô ráp, hậu môn viêm đỏ lồi ra ngoài. Xuất hiện các đốm xuất huyết màu đỏ trên thân, các gốc vây, quanh miệng, mặt lồi đục, xuất huyết, bụng trướng to, xơ vây, tia vây cụt dần.
– Giải phẫu nội tạng: Gan tái nhợt, mật màu sắc đen sẫm, thận nhũn, tuyến sinh dục, bóng hơi đều xuất huyết. Ruột không có thức ăn, có thể chứa đầy hơi hoặc xuất huyết hoại tử. Xoang bụng có nhiều dịch nhờn hôi thối.
Trị bệnh
– Phun thuốc diệt vi khuẩn: Bệnh xuất hiện do môi trường nuôi bị ô nhiễm hữu cơ, để tiêu diệt được bệnh cần tiêu diệt các ổ vi khuẩn trong môi trường ao nuôi. Dùng TCCA ném trực tiếp thuốc xuống ao với nồng độ là 0,5 g/m3. Thuốc ở dạng viên sủi, khi ném xuống ao ngoài tác dụng khử trùng thì còn có tác dụng tăng ôxy cho nước. Lưu ý: Thuốc được ném đều trên mặt ao để thuốc được hòa tan đều trong nước ao. Nếu ném thuốc tập trung ở một vị trí của ao thì tại vị trí đó thuốc có nồng độ cao sẽ gây chết cá, còn ở các vị trí khác nồng độ thuốc thấp không có tác dụng chữa bệnh cho cá.
– Cho cá ăn thức ăn trộn thuốc trị bệnh: Có thể dùng một số kháng sinh, thảo mộc có tác dụng diệt khuẩn; dùng phương pháp cho ăn kháng sinh trộn với thức ăn tinh.
Phòng bệnh: Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
4 BỆNH TRÙNG BÁNH XE
Tác nhân gây bệnh
Là trùng bánh xe thuộc giống Trichodina, Trichodinella, Tripartiella.
Dấu hiệu bệnh lý
Cá bệnh bơi lội không định hướng, nổi từng đàn trên mặt nước, da màu xám. Cá bị bệnh nhẹ sẽ ngứa ngáy, gầy yếu. Cá bị bệnh nặng trên thân có nhiều nhớt màu trắng đục, mang bạc trắng, sau đó chết. Tất cả các loại đều dễ mắc bệnh này.
Phòng, trị bệnh
Khi cá bị bệnh, sử dụng CuSO4 tắm cho cá với nồng độ 3 – 5 g/m3 nước, thời gian 5 – 15 phút hoặc phun xuống ao 50 – 70 g/100 m3 nước. Theo dõi tình trạng cá sau thời gian 24 tiếng, tiến hành thay nước mới.
Để phòng bệnh cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
5 BỆNH TRÙNG QUẢ DƯA
Tác nhân gây bệnh
Là loài trùng quả dưa Ichthyophthirius multifiliis.
Dấu hiệu bệnh lý
– Cá bệnh bơi nổi thành từng đàn trên mặt nước, quẫy nhiều do ngứa ngáy;
– Trên da, mang, vây của cá có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ màu trắng đục có thể nhìn thấy được bằng mắt thường rất rõ;
– Da mang cá bị bệnh có nhiều nhợt, màu sắc nhợt nhạt;
– Cá gầy yếu hoạt động chậm chạp;
Phòng bệnh
Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Trị bệnh
Dùng Formaline để phun xuống ao mỗi tuần 2 lần với nồng độ 100 – 200 ml/m3, sau đó tiến hành thay nước, hoặc tắm Formaline cho cá với nồng độ 200 – 250 ml/m3 trong vòng 30 – 60 phút.
6 BỆNH TRÙNG MỎ NEO
Tác nhân gây bệnh
Là trùng mỏ neo thuộc giống Leronaea.
Dấu hiệu bệnh lý
Cá bệnh bơi lội không bình thường, chậm chạp, kém ăn, dị hình. Trên cơ thể cá có các vết nhỏ màu đỏ.
Phòng bệnh
Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Trước khi thả cá nên dùng lá xoan bón lót xuống ao với lượng 0,2 – 0,3 kg/m3 nước để diệt ấu trùng của trùng mỏ neo có trong ao.
Trị bệnh
– Nếu có điều kiện nên thay toàn bộ nước trong ao đồng thời khử trùng nước thay.
– Dùng lá xoan 0,4 – 0,5 kg/m3 nước bón vào ao nuôi cá bị bệnh có thể tiêu diệt được ký sinh trùng. Do lá xoan phân hủy nhanh tiêu hao nhiều ôxy và thải khí độc, nhất là mùa hè nhiệt độ cao, do đó phải theo dõi cấp nước kịp thời khi cần thiết.
– Tắm cá trong dung dịch KMnO4 nồng độ 10 – 12 g/m3, tắm từ 1 – 2 giờ ở nhiệt độ 20 – 300C.
Diệu Châu
nguồn Tạp chí thủy sản Việt Nam
Did you find apk for android? You can find new Free Android Games and apps.

Để lại bình luận

Scroll
0981059666
Power by

Download Free AZ | Free Wordpress Themes